KTCNTY - Kiến thức Chăn nuôi thú y
Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn
I. Những vấn đề chung về công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn

1- Khái niệm và sự phân biệt giữa công tác kiểm tra với công tác giám sát
Kiểm tra: Theo Từ điển Tiếng Việt, kiểm tra là “xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét”.
Giám sát: Theo Từ điển Tiếng Việt, giám sát là “theo dõi và kiểm tra xem có thực hiện đúng những điều quy định không”
Căn cứ vào định nghĩa trên của Từ điển Tiếng Việt; căn cứ những tài liệu của Đoàn từ đó ban hành và qua thực tiễn; công tác kiểm tra, giám sát trong Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được định nghĩa như sau:
a) Công tác kiểm tra:
Là hoạt động xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, Điều lệ Đoàn, thi hành kỷ luật đoàn và việc triển khai tổ chức thực hiện những chủ trương, nghị quyết của cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn.
b) Công tác giám sát:
Công tác giám sát là vấn đề mới được quy định trong Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn khoá IX. Dự thảo Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác giám sát theo Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khoá IX đưa ra định nghĩa: “Giám sát của Đoàn là việc các cấp bộ đoàn, tổ chức đoàn có thẩm quyền theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cấp bộ đoàn, tổ chức đoàn và cán bộ, đoàn viên chịu sự giám sát trong việc chấp hành Điều lệ Đoàn, nghị quyết, chủ trương, quy chế, quy định, quyết định của các cấp bộ Đoàn và đạo đức, lối sống của người cán bộ, đoàn viên.”.
c) Sự giống nhau và khác nhau giữa kiểm tra và giám sát:
- Sự giống nhau:
+ Kiểm tra và giám sát đều là hoạt động của đoàn; do ban chấp hành đoàn lãnh đạo, chỉ đạo; được ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra và các ban của đoàn tổ chức thực hiện.
+ Nội dung kiểm tra và giám sát đều là việc chấp hành Điều lệ Đoàn, nghị quyết, chủ trương hay các quy định của đoàn.
+ Đối tượng kiểm tra, giám sát đều là tổ chức đoàn và cán bộ, đoàn viên.
+ Mục đích kiểm tra, giám sát đều nhằm phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đoàn và công tác xây dựng Đoàn vững mạnh.
- Sự khác nhau:
+ Về mục đích:
Giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ lúc mới manh nha. Giám sát giúp đối tượng được giám sát thực hiện đúng quy định, quy chế; phát hiện, góp ý, phản ảnh, đề xuất; giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm là chính. Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra.
Còn mục đích kiểm tra là để làm rõ đúng, sai. Sau kiểm tra phải kết luận và xử lý. Có thể có vi phạm rồi mới kiểm tra, có vụ việc đó qua nhiều năm mới kiểm tra để làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm (nếu có) để xử lý.
+ Về đối tượng:
Trong hoạt động kiểm tra, đoàn viên vừa là đối tượng kiểm tra vừa là chủ thể kiểm tra.
Trong hoạt động giám sát, đoàn viên chỉ là đối tượng giám sát và chỉ trở thành chủ thể giám sát khi được tổ chức đoàn có thẩm quyền phân công.
+ Về phương pháp và hình thức:
Giám sát không cần thẩm tra, xác minh, không xem xét thi hành kỷ luật mà chỉ thông qua theo dõi, quan sát để phát hiện vấn đề, phản ánh với tổ chức và cá nhân có thẩm quyền nhằm kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa khuyết điểm, tránh để xảy ra vi phạm.
Kiểm tra bắt buộc phải tiến hành theo quy trình, thành lập tổ hoặc đoàn kiểm tra; coi trọng các biện pháp nghiệp vụ để thẩm tra, xác minh; sau kiểm tra có kết luận cuộc kiểm tra, có đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, vi phạm (nếu có) và xử lí kỷ luật tổ chức, cá nhân vi phạm.
* Lưu ý: Giám sát và kiểm tra có mối quan hệ khăng khít với nhau. Muốn thực hiện tốt việc giám sát thì phải có theo dõi, xem xét thực tế của đối tượng được giám sát; muốn thực hiện tốt việc kiểm tra thì phải thường xuyên thực hiện việc giám sát.

2- Chủ thể kiểm tra, giám sát
- Cấp bộ đoàn (ban chấp hành, ban thường vụ): Chủ thể có đầy đủ quyền năng kiểm tra, giám sát.
- Các ban chuyên môn, văn phòng đoàn: Có quyền kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực được phân công;
- Ủy ban kiểm tra: Do ban chấp hành bầu ra để chuyên kiểm tra, giám sát; có quyền năng kiểm tra giám sát “hẹp” hơn ban chấp hành, ban thường vụ nhưng “rộng” hơn các ban khác của Đoàn;

3. Đối tượng kiểm tra, giám sát
- Tổ chức đoàn cấp dưới;
- Cán bộ, đoàn viên (kể cả ủy viên ban chấp hành cùng cấp).
* Lưu ý:
+ Đối với công tác kiểm tra, có thể có tự kiểm tra, còn đối với giám sát chỉ có việc cấp trên giám sát cấp dưới, tập thể giám sát cá nhân;
+ Theo phân cấp, tổ chức đoàn cấp trên chủ yếu kiểm tra, giám sát cấp dưới trực tiếp.

4- Nội dung kiểm tra, giám sát
Việc thực hiện nghị quyết đại hội Đoàn cùng cấp và cấp trên, các chỉ thị nghị quyết, các chủ trương công tác của Đoàn, việc chấp hành Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đoàn.
(Lưu ý: Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng thời điểm, cấp bộ Đoàn và uỷ ban kiểm tra các cấp lựa chọn, cụ thể hóa nội dung kiểm tra, giám sát cho phù hợp).

II. Công tác kiểm tra, giám sát của ban chấp hành, ban thường vụ đoàn và công tác kiểm tra, giám sát của văn phòng, các ban của Đoàn

1- Công tác kiểm tra, giám sát của ban chấp hành, ban thường vụ đoàn:
a) Trách nhiệm:
- Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát:
+ Ban hành các văn bản chỉ đạo (nghị quyết, quy chế, quy định, hướng dẫn,…) về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật theo thẩm quyền;
+ Chỉ đạo cấp bộ đoàn cấp dưới, các ban chuyên môn và UBKT cùng cấp xây dựng, thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong từng thời gian; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật;
+ Lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của Ủy ban kiểm tra; quyết định quy chế làm việc của Ủy ban kiểm tra; quyết định việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đoàn theo thẩm quyền về công tác cán bộ;
+ Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số hoạt động kiểm tra, giám sát khi cần thiết.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn xây dựng kế hoạch trong đó xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra, giám sát; tổ chức phối hợp lực lượng, phân công cụ thể từng Ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và các Ban chức năng của Đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát.
b) Đối tượng:
Ban Chấp hành kiểm tra, giám sát mọi tổ chức đoàn, cán bộ, đoàn viên thuộc phạm vi lãnh đạo của mình.
c) Nội dung:
+ Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước;
+ Nghị quyết đại hội Đoàn các cấp;
+ Việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đoàn;
d) Cách tiến hành:
Trực tiếp hoặc thông qua các ban, văn phòng, uỷ ban kiểm tra;

2- Công tác kiểm tra, giám sát của văn phũng và cỏc ban của Đoàn:
a) Trách nhiệm: Không có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ có trách nhiệm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát;
b) Đối tượng: Kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực, đối tượng được phân công phụ trách (ví dụ: Ban thanh niên nông thôn có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Ban thanh niên trường học có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn trong thanh niên trường học);
c) Cách tiến hành: Sử dụng cán bộ của mình, phối kết hợp với Ủy ban kiểm tra và các ban, đơn vị khác.

III. Công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra đoàn các cấp
Ủy ban kiểm tra tham mưu cho ban chấp hành đoàn cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với cán bộ đoàn, đoàn viên (kể cả uỷ viên ban chấp hành cùng cấp) và tổ chức đoàn cấp dưới theo quy định của Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.

1. Đối tượng kiểm tra, giám sát:
- Ủy viên ban chấp hành, cán bộ đoàn cùng cấp.
- Tổ chức đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn viên.

2- Nội dung kiểm tra, giám sát:
Ủy ban kiểm tra tham mưu, giúp ban chấp hành, ban thường vụ đoàn các cấp thực hiện các nội dung giám sát của ban chấp hành, ban thường vụ; đồng thời chủ động tiến hành theo thẩm quyền những nội dung giám sát theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 25 Điều lệ Đoàn, bao gồm:
- Tham mưu cho các cấp bộ Đoàn kiểm tra việc thi hành Điều lệ, nghị quyết, chủ trương của Đoàn.
- Kiểm tra cán bộ, đoàn viên (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ của Đoàn.
- Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn cấp dưới.
- Giám sát Ủy viên Ban Chấp hành, cán bộ cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định của Đoàn theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.
- Kiểm tra công tác Đoàn phí, việc sử dụng các nguồn quỹ khác của các đơn vị trực thuộc Ban Chấp hành cùng cấp và cấp dưới.

3- Cách thức tiến hành kiểm tra, giám sát:
a- Cách thức tiến hành một cuộc kiểm tra:
- Bước chuẩn bị:
+ Xây dựng kế hoạch kiểm tra;
+ Lập đoàn kiểm tra;
+ Đoàn kiểm tra xây dựng kế hoạch làm việc chi tiết;
+ Thông báo kế hoạch kiểm tra đến đối tượng được kiểm tra;
- Bước tiến hành kiểm tra:
+ Làm việc với tổ chức đoàn được kiểm tra (thông báo kế hoạch, chương trình, thống nhất lịch kiểm tra, nghe tổ chức, cá nhân được kiểm tra báo cáo);
+ Thu thập tài liệu, văn bản, nghiên cứu báo cáo tự kiểm tra của tổ chức, cá nhân được kiểm tra;
+ Tiến hành thẩm tra, xác minh, khảo sát, nắm tình hình, làm việc với những cá nhân, tập thể có liên quan…;
+ Xây dựng dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra;
+ Tổ chức hội nghị thông báo dự thảo báo cáo kết quả (lưu ý: có đại diện tổ chức, cá nhân được kiểm tra);
+ Tiếp tục xác minh những vấn đề cần làm rõ, những vấn đề còn ý kiến khác nhau (nếu có); hoàn chỉnh báo cáo kết quả kiểm tra;
- Kết thúc kiểm tra
+ Trình báo cáo kết quả kiểm tra với cấp bộ đoàn có thẩm quyền;
+ Tham mưu ra kết luận hoặc giải pháp chỉ đạo sau kiểm tra; theo dõi thực hiện;
+ Lập hồ sơ lưu trữ.
* Lưu ý:
- Kiểm tra vấn đề phải nắm chắc nội dung các quy định, chủ trương liên quan đến vấn đề đó;
- Vụ việc kiểm tra càng phức tạp, quy trình càng phải đầy đủ và chặt chẽ;
- Trong quá trình kiểm tra, phải thường xuyên, kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp bộ đoàn cùng cấp.
b- Cách thức tiến hành giám sát:
+ Phân công Ủy viên Ủy ban kiểm tra trực tiếp, thường xuyên theo dõi địa bàn, lĩnh vực, nắm tình hình phục vụ cho việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nếu có;
+ Cử cán bộ dự các hội nghị, hoạt động của cấp bộ Đoàn hoặc tổ chức Đoàn được giám sát.
+ Trao đổi, nắm tình hình từ các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật, dư luận quần chúng thanh thiếu nhi và nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và đơn thư khiếu nại, tố cáo.
+ Xem xét các văn bản, báo cáo của tổ chức Đoàn cấp dưới.
+ Tổ chức các đoàn giám sát tại địa phương, đơn vị.

IV. Một số nội dung chủ yếu cần tập trung trong công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn hiện nay

1- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, các chủ trương công tác của Đoàn
- Việc học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX; nghị quyết Đại hội cùng cấp; các nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trong nhiệm kỳ (theo Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ).
- Kiểm tra đánh giá kết quả việc thực hiện nghị quyết, chủ trương công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ trên các mặt công tác xây dựng Đoàn và chỉ đạo phong trào thanh niên, trong đó chú trọng:
+ Kiểm tra đánh giá kết quả Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”;
+ Kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện 2 phong trào lớn: “Năm xung kích phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Bốn đồng hành với thanh niên trên đường lập thân, lập nghiệp”.
+ Kiểm tra đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn.
+ Kiểm tra việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án trọng điểm của Đoàn triển khai trong nhiệm kỳ (Đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên; các dự án do lực lượng TNXP đảm nhiệm; các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, sức khoẻ, môi trường; các dự án theo chương trình tài trợ của quốc tế hoặc các tổ chức phi chính phủ).
- Qua kiểm tra, cần chú ý:
+ Đánh giá được hiệu quả các chủ trương công tác của Đoàn, chất lượng các hoạt động và phong trào do Đoàn chỉ đạo, tổ chức;
+ Đề xuất để kịp thời uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết ;
+ Phát hiện và đề xuất nhân rộng điển hình nhân tố mới;
- Chỉ tiêu phấn đấu:
+ Hằng năm có ít nhất 50% số chi đoàn, 95% số Đoàn cơ sở được cấp bộ Đoàn và Ủy ban kiểm tra cấp trên tiến hành kiểm tra;
+ 100% các tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc có kế hoạch tự kiểm tra, trong đó triển khai được các hình thức kiểm tra chuyên đề, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất, hướng dẫn cấp huyện tự kiểm tra,…;

2- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Điều lệ Đoàn:
Các vấn đề mới so với khoá cũ: Độ tuổi kết nạp đoàn viên; việc thu đoàn phí; nguyên tắc bầu cử (phiếu); giám sát thực hiện các quy chế, quy định, chế độ sinh hoạt của đoàn và cán bộ, đoàn viên.

3- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra công tác kỷ luật và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:
- Chú trọng kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức của Đoàn, nhất là: Những vấn đề thuộc về nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, đoàn kết nội bộ trong cơ quan chuyên trách Đoàn cấp dưới; kiểm tra cán bộ, đoàn viên trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra mang tính phòng ngừa.
- Kiểm tra việc thực hiện phương châm, phương hướng, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức Đoàn.
- Kiểm tra việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đoàn của cấp dưới và những vụ khiếu nại vượt cấp có nội dung phức tạp. Kiểm tra, xem xét các vụ kỷ luật đó được xử lý nhưng có dấu hiệu xử lý không đúng mức và những vụ vi phạm đến mức phải xử lý nhưng không xử lý.
- Kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quyết định, thông báo của tổ chức Đoàn cấp Trung ương và Tỉnh về thi hành kỷ luật đoàn, việc theo dõi giúp đỡ, công nhận tiến bộ đối với người bị kỷ luật.

4- Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, thanh niên.
+ Hỗ trợ bằng dư luận, báo chí, công luận (chú ý phát hiện qua báo chí, qua đơn thư phản ánh của cán bộ, đoàn viên thanh niên).
+ Tư vấn, trợ giúp pháp lý trực tiếp;

Nhãn:

Các bài viết trước đó

- Một số điểm mới trong Hướng dẫn thực hiện Điều lệ ...
- Một số điểm mới trong Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Min...
- Chương X: Tài chính của Đoàn
- Chương XI: Chấp hành điều lệ Đoàn
- Chương IX: Đoàn phụ trách Đội Thiếu niên tiền phon...
- Chương VIII: Đoàn đối với Tổ chức hội của Thanh niên
- Chương VII: Khen thưởng và kỷ luật của Đoàn
- Chương VI: Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn và...
- Chương V: Tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việ...
- Chương IV: Đoàn khối, đoàn ngành, đoàn ở nước ngoài

  @2009 NVB - Copyright by ktcnty.blogspot.com.
  Liên hệ: vinhbinhht@gmail.com - 01699.059.335